BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM B | CHÚA BA NGÔI HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU

22/05/2024
1881


BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM B
CHÚA BA NGÔI HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Câu truyện về Chúa Ba Ngôi mà ai cũng biết là mẫu đối thoại giữa nhà thông thái Âu-tinh và chú bé nơi bờ biển. Nhà thông thái đi dạo nơi bờ biển trong khi đầu óc cứ băn khoăn tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ngài thấy một em bé đang lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ còng. Ngài tò mò định hỏi xem em định làm gì ? Em định múc hết nước biển đổ vào lỗ còng này ! Ngài lên tiếng bảo em sao lại làm một việc mà không lượng sức của mình !... thì được em đáp ngay rằng việc em làm còn chưa vô ích bằng việc cái đầu của ngài cứ mải miết tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi !

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một tín điều căn bản trong đạo thánh chúng ta và cũng là một mầu nhiệm khó đạt thấu. Thiên Chúa là một, nhưng lại có Ba ngôi, là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta được Rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sống đời sống siêu nhiên là chia sẻ đời sống nội tại Chúa Ba Ngôi.

Đây là mầu nhiệm cao cả, trí óc chúng ta không thể nghĩ tưởng ra được, nếu Chúa Giêsu không mặc khải cho chúng ta biết. Ngài mặc khải từ từ trong Phúc Âm cho đến ngày Ngài giã biệt các Tông đồ ra đi. Ngài nói: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Ta. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy cho họ tuân giữ điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,20).

Thiên Chúa không tự đóng kín trong nội tại của ngài nhưng mở ra và trao ban tình yêu cho nhân loại. Chúa Cha thông ban cho Chúa Con thần tính, quyền năng, vinh quang của Người. Do đó, Chúa Con vĩnh viễn nhận được thần tính và nhân cách của Cha. Tình yêu của Cha dành cho Con và tình yêu của Con dành cho Cha. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tình yêu phụ tử. Chúa Con yêu Chúa Cha bằng một tình yêu đáp trả, tận hiến. Do đó, Chúa Cha sinh ra Chúa Con, và Chúa Con luôn sẵn sàng đáp lại của Chúa Cha và do đó làm cho Chúa Cha hạnh phúc. Chính vì lý do này mà tình yêu của Chúa Cha vĩnh viễn sinh ra Chúa Con trở thành tình yêu sáng tạo. Chúa Cha là tình yêu trao ban, Chúa Con là tình yêu đón nhận và Chúa Thánh Thần là tình yêu trao đổi.

Thiên Chúa là Cha nhưng không phải là ngôi vị đơn độc trên cao sang thăm thẳm tầng mây. Từ đời đời ngài đã sinh ra Đức Chúa Con, và vì yêu thương nhân loại, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế. Một mối tình cao cả vô bờ bến. Ngài đã đi bước trước, để yêu thương ta không những trong việc ban Con Một Ngài mà còn ban kết quả sự sống đời đời. Mối tình đời đời nối kết hỗ tương giữa Cha và Con, chính là Ngôi thứ Ba là Chúa Thánh Thần. Nói tóm lại, từ đời đời Cha đã sinh ra Con, Cha đã thương yêu Con. Chúa Con đã đáp lại bằng một mối tình vô cùng khắng khít, khiến Cha và Con là một. Và mối tình liên kết hỗ tương đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây là một mầu nhiệm đức Tin lớn lao cao cả, trí khôn ta không hiểu, trí tưởng tượng không thể hình dung ra. Chúng ta tin vì chính Chúa đã mặc khải và Ngài xuống thế gian cũng nói cho chúng ta rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con Một Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”.  Như vậy, Thiên Chúa là một trong bản thể, nhưng là ba trong ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: “ Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình; Chúa Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế;  Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Thiên Chúa là Tình Yêu nên Thiên Chúa Ba Ngôi là một. Điều ấy được thánh Augustino nói rõ: "Thiên Chúa là tình yêu vì Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần là một". Nếu Thiên Chúa là tình yêu là vì chính Thiên Chúa  hiệp nhất hoàn toàn trong các ngôi vị yêu thương. Tình yêu hoàn toàn là sự kết hợp trọn vẹn giữa hai chủ thể bằng tận hiến cho nhau. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi diễn đúng thực sự hiệp nhất hoàn toàn này. Ai cũng biết Chúa Cha không phải là Chúa Con, Ngôi Hai không phải là Ngôi Ba. Các ngôi vị phân biệt hoàn toàn và không thể giản lược vào nhau. Đó chính là điều kiện của tình yêu chân chính, tình yêu chỉ có được giữa nhân vị và nhân vị. Tình yêu là hợp nhất, điều đó dĩ nhiên phải có một "tôi" và "anh", nhưng lại không "tôi tan biến trong  anh" hay ngược lại ! Nhưng đồng thời lại chỉ có Một Chúa, hay nói khác đi đồng bản tính. Đồng nhất bản tính có nghĩa là khai trừ mọi ý tưởng chia phần và phân ly, phế bỏ hoàn toàn "của tôi" và "của anh". Thánh Augustino diễn tả : "Nếu Thiên Chúa là tình yêu là vì tình yêu không thể bẻ gãy sự hiệp nhất, nhưng liên kết khôn tả Ba Ngôi Thiên Chúa ". Thực vậy, nơi Thiên Chúa không thể có phân chia, hay tham phần đi nữa, mỗi ngôi cùng chiếm hữu toàn diện, cùng sung mãn vô biên, cùng một thần tính. Đó không phải là những cá thể ích kỷ đối diện nhau, cũng chẳng phải những hữu thể đặt kề sát tẩy trừ nhau, nhưng là những hữu thể quảng đại hiến thân cho nhau. Như vậy, sự phối hợp giữa các ngôi vị đòi phải có sự phân biệt hoàn toàn lại thể hiện trong một sự hiệp nhất toàn vẹn. Chúa Giêsu diễn tả tất cả chân lý ấy trong một câu đơn giản : "Ta và Cha là Một" Ga 10,30 .

Ngôi Cha hoàn toàn quảng đại, không tích trữ cho mình, nhưng thông ban cho Ngôi Con tất cả những gì Ngài có. Chúa Con đã đáp lại lòng quảng đại ấy bằng lòng hiếu thảo vô biên : "Ta sống vì Cha". Chúa Cha và Chúa Con thông ban cho Chúa Thánh Thần cũng bằng lòng quảng đại vô bờ ấy tất cả sự sung mãn thần tính trọn vẹn. Và Chúa Thánh Thần đáp lại tình yêu vô biên của Chúa Cha và Chúa Con bằng một lòng biết ơn vô cùng say mến. Như thế, Thiên Chúa là tình yêu. Bản chất của Ngài là tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong Nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa ; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng dấu thánh giá thật đơn sơ và tốt đẹp. Chúng ta đưa bàn tay phải lên trán, lên ngực, vai trái và vai phải và cầu nguyện: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng: có Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, có Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời chúng ta và Ngôi Hai đã chết trên thập giá vì tất cả chúng ta. Và một lời cầu nguyện đẹp của thánh Augustino: "Xin cho con nhớ đến Chúa, hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa". Amen.

Lm. Joseph Phan Cảnh